Người đàn ông có vợ trúng độc đắc, bỗng dưng sở hữu tiền tỷ nhưng vừa vui đã mất tất cả
Tự thấy tình cảm vợ chồng chẳng còn mặn nồng, lại không có con cái ràng buộc, vì thế ông T quyết định nói chuyện ly hôn với vợ. Lúc này bà Tư đang chìm sâu trong các cuộc chơi liền gật đầu đồng ý.
Ông L.V.T (SN 1961, quê An Giang) sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khá giả nên 25 tuổi đã lập gia đình. Cặp đôi được họ hàng đôi bên tặng rất nhiều quà cưới có giá trị, vì thế đã xây một căn nhà ba tầng ở huyện Chợ Mới rồi dọn ra ở riêng.
Có sẵn nhà mặt tiền, ông T bàn tính với người vợ trẻ chuyện kinh doanh gì đó để chứng tỏ cho cha mẹ thấy mình có cái tài buôn bán. Ông đem sổ đỏ đến ngân hàng cầm cố lấy vốn làm ăn. Sau đó ông đặt mua bốn bàn bida, sắm mấy bộ bàn ghế nhựa và xe nước mía để “khởi nghiệp”.
“Khi đó tôi tính toán kỹ lưỡng lắm. Đám thanh niên trong huyện nghiện trò bida nên sẽ nhanh chóng lấy lại vốn rồi kiếm bao tiền lãi. Vợ tôi (tức bà Tư) nghe xong cũng đồng ý ngay bởi tin tưởng vào quyết định sáng suốt này của tôi”, ông T nhớ lại.
Những ngày đầu kinh doanh, vợ chồng ông T không gặp khó khăn gì cả, thậm chí công việc rất suôn sẻ. Mỗi ngày, ông chỉ cần ngồi trông xe cho đám thanh niên hoặc giúp vợ bưng ly nước mía mời khách. “Tiền kiếm được, tôi đều giao cho bà ấy quản lý vì suy nghĩ vợ phải là người cầm tài chính. Ngờ đâu, tôi đã tự đẩy mình vào tấn bi kịch mất cả vợ lẫn tài sản.
Đêm nọ, tôi đang say giấc nồng thì bị bà ấy gọi dậy và thông báo sắp phá sản, muốn ly hôn. Tôi cứ ngỡ bà ấy nói đùa nhưng đến lúc tỉnh ngủ hẳn mới té ngửa bấy lâu nay vợ mình cho đám thanh niên chơi bida chịu, tiền thu vào chẳng có đồng nào cả”, ông T tâm sự.
Hiểu vợ thuộc tuýp người ưa nịnh, chỉ cần đám thanh niên khen ngợi là bà sẽ đồng ý ghi sổ nợ nên ông T quyết tâm níu giữa hôn nhân bằng cách bán căn nhà để trả tiền ngân hàng. Số tiền còn lại, ông mua căn nhà nhỏ trong hẻm lấy chỗ tránh mưa tránh nắng rồi tìm kế sinh nhai. Ông đã bán 4 bàn bida, giữ lại xe nước mía cho bà Tư làm ăn.
Sáng nào bà Tư cũng đẩy xe nước mía ra đầu hẻm kiếm tiền. Còn ông T chuyển sang nghề xe ôm hoặc có ai thuê gì làm nấy với hi vọng đủ tiền nuôi thân và vợ.
“Sống sung sướng quen rồi, đến khi khổ cực thành ra vợ chồng hay mâu thuẫn. Vợ tôi không chịu được cảnh không có tiền nên suốt ngày cằn nhằn và đòi chia tay để không phải đói nghèo nữa. Năm 2009, đang lúc bế tắc nhất thì vợ tôi trúng liền 5 tờ vé số. Tôi vỡ òa hạnh phúc cứ ngỡ trời thương cho đổi đời nhưng cuối cùng tiền chẳng có, vợ chồng mỗi người đôi ngả”, ông T rưng rưng.
Theo đó, chiều ấy ông T đang chán nản vì ế khách thì nhận được cuộc gọi của bà Tư hớt hải thông báo đã trúng độc đắc. Ông vội vàng chạy về nhà, thấy chật kín người ngồi ở đó. Ông hỏi rõ chuyện mới hay bà xã trúng giải đặc biệt của đài Cần Thơ.
“Đêm đó vợ chồng tôi chở nhau đi mua gạo, mì tôm phân phát cho những người đến chung vui, đồ ăn thức uống cũng dọn ra linh đình. Chúng tôi còn cất rạp như đám cưới ấy, mở tiệc, hát hò rộn ràng cũng 2 ngày 2 đêm”, ông T nhớ lại.
Vì vé số là do bà Tư mua nên số tiền thưởng bà được tự quyền quyết định. Bà sắm sửa quần áo là áo lụa, mua xe mua cộ. Bà không chịu làm gì ngoài chuyện tô son điểm phấn, chiều chiều cưỡi xe chạy nhong nhong đi chơi đây đó.“Vợ tôi trúng tiền tỷ nhưng tôi chẳng có cái gì mới cả. Thậm chí tôi còn chán nản hơn cả hồi bị phá sản, đành rủ chiến hữu đi uống rượu giải sầu, quên đi cái khổ của đời. Tối đến tôi lại lủi thủi về nhà bởi ngày nào bà ấy cũng đi biền biệt, không coi tôi ra gì”, người đàn ông miền Tây tâm sự.
Tự thấy tình cảm vợ chồng chẳng còn mặn nồng, lại không có con cái ràng buộc, vì thế ông T quyết định nói chuyện ly hôn với vợ. Lúc này bà Tư đang chìm sâu trong các cuộc chơi liền gật đầu đồng ý. Cặp đôi không dắt nhau ra tòa kiện tụng mà cứ lẳng lặng mỗi người đôi ngả. Ông T để lại nhà cửa cho vợ rồi lên Sài Gòn mưu sinh. Về phía bà Tư còn chút nghĩa tình nên gửi 50 triệu đồng cho chồng coi như lời “cảm ơn”.
Lần đầu đặt chân đến xứ người, ông T lạc lõng không biết định hướng tương lai ra sao? Tuy nhiên ông nghĩ mình vẫn phải sống và vượt qua nỗi đau này, do đó đã dừng chân lại một hẻm nhỏ, thuê căn phòng nhỏ và bắt đầu cuộc sống… chỉ có một mình.
Nhắc đến quá khứ và bà Tư, ông T bật cười bảo nhiều lúc muốn trở về nhà nhưng không đủ can đảm. “Tôi nghe người ta bảo giờ bà ấy thê thảm lắm. Ngày nào cũng đi bán vé số dạo. Đúng là khi người ta nhận ra sai lầm thì đã quá muộn màng”, ông T bộc bạch.